GIẢI MÃ VỊ TRÍ ĐỘC TÔN CỦA NGÀNH THỜI TRANG HÀNG HIỆU PHÁP
- Giang Trieu
- Sep 23, 2016
- 6 min read

Nước Pháp, cái tên chỉ nghe đến thôi cũng đã khiến người ta thổn thức liên tưởng đến sự lãng mạn. Đất nước của tình yêu, của những bản tình ca, của những danh lam thắng cảnh, những công trình kiến trúc lộng lẫy đến choáng ngợp. Không những thế, người Pháp còn nổi tiếng với sự lịch thiệp, phong cách sống tao nhã và tinh tế đến nỗi để nói về những người có cốt cách, người ta liền thốt lên “lịch lãm như người Pháp”. Trải qua bao thăng trầm, nước Pháp của ngày hôm nay vẫn giữ vững nét thanh lịch vốn có, đã trở thành kinh đô thời trang của thế giới, cái nôi của hàng loạt thương hiệu thời trang cao cấp có thể kể đến như Louis Vuitton, Chanel, Hermès...Bài viết dưới đây sẽ giải mã con đường vươn đến vị trí độc tôn trong ngành công nghiệp hàng hiệu của Pháp.
1. Theo dòng lịch sử
Kĩ thuật mới lạ và sự sáng tạo của ngành công nghiệp thời trang Pháp đã có truyền thống từ thế kỉ 17, vào vương triều của Louis thứ 14. Lên ngôi vào năm 1643, Louis 14 là vị vua có công lớn trong việc làm nước Pháp trở nên hưng thịnh, đứng đầu ở châu Âu vào thời bấy giờ. Tuy nhiên, Louis 14 lại có cuộc sống cực kì xa hoa phóng túng. Ông chính là người cho xây dựng cung điện Versailles với 36000 nhân công làm việc ngày đêm suốt 40 năm trời. Để phục vụ cho lối sống xa xỉ của mình, Louis rất chú trọng phát triển các ngành công nghiệp nghệ thuật, sản xuất hàng hóa cao cấp, đặc biệt là ngành thương mại dệt may. Pháp nhanh chóng trở thành kinh đô thời trang của thế giới. Trong nhiều thế kỉ sau đó, toàn bộ vải vóc và các chất liệu cao cấp nhất đều được tìm thấy ở Pháp.
Đến cuối thế kỉ 19, khái niệm haute couture (may đo cao cấp - những thiết kế được đặt may riêng cho một đối tượng cụ thể, được thực hiện bởi những nhãn hiệu nổi tiếng) ra đời. Các nhà may đều phải đặt trụ sở tại Pháp. Charles Frederick Worth, nhà thiết kế người Anh được xem là ông tổ của ngành công nghiệp haute couture, cũng là người đầu tiên mở cửa hàng của mình tại con phố mua sắm sầm uất Rue de la Paix tại ‘kinh đô ánh sáng’ Paris.

Mọi chi tiết của một tác phẩm haute couture đều phải thực hiện bằng tay, sử dụng những chất liệu cao cấp nhất, thợ may danh tiếng nhất để tạo nên một sản phẩm độc nhất vô nhị, chủ yếu phục vụ tầng lớp quý tộc
Kể đến những con người đóng vai trò to lớn trong lịch sử ngành thời trang cao cấp không thể thiếu Coco Chanel. Bà đã đập tan mọi quy tắc thời trang áp đặt lên phụ nữ trước đó bằng cách loại bỏ những chiếc áo corset (một dạng nội y chèn ép cơ thể để tạo nên những đường cong lí tưởng). Thay vào đó, bà tạo nên những thiết kế rộng rãi, thoải mái, đề cao sự tự do, giải phóng cơ thể. Những thiết kế của bà nhanh chóng trở thành trào lưu gọi là ‘flapper style’ vào những năm 1920.

Những người phụ nữ theo phong cách ‘flapper style’ đang đi dạo trên đường phố
Ngành thời trang Pháp lâm vào trì trệ suốt thế chiến thứ II. Sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã đã khiến hàng loạt cửa hàng của Chanel và các nhãn hiệu khác lần lượt đóng cửa. Nước Mỹ nhanh chóng nhảy vào thâu tóm thị trường béo bở này, hướng sự chú ý của truyền thông về các nhà thiết kế người Mỹ như Claire McCardell.
Sau nhiều năm ‘ngăn sông cấm chợ’ dẫn đến sự thiếu hụt nguyên liệu, ngành công nghiệp thời trang Pháp lại hồi sinh mạnh mẽ hơn bao giờ hết với sự xuất hiện của Christian Dior. Dior đã thổi một làn gió mới vào thị trường thời trang bằng việc trình làng những thiết kế áo khoét ngực và váy chữ A chiết eo, dài đến giữa bắp chân, tạo nên một phong cách mới, nữ tính và tinh tế. Dior nhanh chóng vấp phải nhiều sự phản đối vì những trang phục này đòi hỏi sử dụng rất nhiều nguyên liệu trong bối cảnh thiếu hụt sau chiến tranh. Đáp lại những lời chỉ trích, các nhà thiết kế vẫn bình thản tuyên bố “Châu Âu này đã vùi trong bom quá lâu rồi, chúng tôi muốn nhìn thấy ánh sáng của pháo hoa”. Bằng sự lạc quan, Dior nhanh chóng nhận được những đơn đặt hàng tới tấp, khôi phục lại vị trí kinh đô thời trang của Paris.

Những thiết kế thanh lịch của Dior nhanh chóng nhận được sự yêu thích của những quý cô thập niên 1950
Thế kỉ 20 chứng kiến sự bùng nổ của thị trường thời trang với sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi nổi bật. Tại Paris, Hubert de Givenchy và Pierre Balmain nổi lên, lãnh trọng trách của những hậu bối tiếp tục phát huy tên tuổi của thời trang Pháp. Tuy nhiên, Mỹ và Italy cũng nhanh chóng khẳng định tên tuổi nơi đất khách, tiêu biểu là fashion show giới thiệu tác phẩm của các nhà thiết kế người Ý được tổ chức bởi Giovanni Battista Giorgini đã gây tiếng vang lớn trong giới mộ điệu vào năm 1951. Bên cạnh đó, nhà thiết kế người Anh Mary Quant với những thiết kế váy ngắn, đã nhanh chóng tạo thành trào lưu ủng hộ giải phóng và bình đẳng giới cho phụ nữ. Những sáng tạo táo bạo của Quant đã làm lung lay phong cách thời trang Pháp vốn chú trọng sự tỉ mỉ, cầu kì, trang trọng.

Những chiếc váy ngắn của Mary Quant đã tạo nên một cú hích cho giới thời trang
Nhưng có lẽ phải đến sự xuất hiện của Yves Saint Laurent vào cuối những năm 1960, ngành công nghiệp thời trang Pháp mới có những bước chuyển đổi mạnh mẽ. Saint Laurent không chỉ làm manh nha trào lưu menswear ở nữ giới với những thiết kế như ‘le smoking’ suit mà còn là nhãn hiện cao cấp đầu tiên cho ra đời một bộ sưu tập ready-to-wear (không chỉ xuất hiện trên sàn diễn mà còn có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày). Từ đó, ngành công nghiệp thời trang cao cấp bỗng trở nên gần gũi với cuộc sống hơn bao giờ hết.

Hình ảnh một người phụ nữ năm 60 trong trang phục suit Le Smoking, vào thời đó chỉ một số nhà hàng hoặc khách sạn cho phép phụ nữ mặc Le Smoking
2. Ngành công nghiệp siêu lợi nhuận
Bất chấp, nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng, ngành công nghiệp thời trang cao cấp của Pháp dường như không chút suy chuyển. Là ngành công nghiệp mũi nhọn, đế chế thời trang cao cấp của Pháp trị giá 168 tỉ Euro (khoảng 4 200 000 tỉ VND) với hàng loạt tên tuổi nổi danh như Louis Vuitton, Chanel, Hermès, Dior. Pháp vẫn được xem là thiên đường shopping số một thế giới với 60% thu nhập quốc gia đến từ du lịch kết hợp mua sắm. Những nước có tỉ lệ chi tiêu cao nhất phải kể đến Trung Quốc, Nga và Mỹ.

Cửa hàng của Hermès tại đại lộ George V ở quận 8, thành phố Paris
Tuy nhiên, Pháp đang phải đối mặt với sự suy giảm khách du lịch trong những năm gần đây do nạn trộm cướp và móc túi hoành hành, chủ yếu nhằm vào khách Trung Quốc và các nước châu Á do các du khách này thường mang theo tiền mặt thay vì thanh toàn bằng thẻ như các nước phương Tây. Dù vậy, ngành thời trang cao cấp vẫn được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển thuận lợi trong 5 năm sắp tới, với mức doanh thu tăng từ 2.3 đến 4.1% mỗi năm.
3. Một đế chế bất khả xâm phạm
Paris của ngày hôm nay, cùng với Milan, New York và London là một trong bốn kinh đô thời trang chính thức của thế giới. Tuy vẫn đang đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của các búp măng trong địa hạt thời trang như Barcelona, Berlin và đặc biệt là Singapore, nước Pháp với nền văn hóa và lối sống trang trọng, lịch lãm, có lẽ sẽ luôn là một tượng đài không thể sụp đổ của ngành công nghiệp thời trang cao cấp.
Comentários